Truyền thống văn hóa – tín ngưỡng

10/10/2022 11:07

Truyền thống văn hóa – tín ngưỡng 

 Võng Xuyên là một vùng quê có đời sống sinh hoạt văn hóa truyền thống vừa mang những nét đặc trưng văn hóa tiêu biểu của cư dân đồng bằng sông Hồng, vừa có sắc thái riêng do tác động sâu sắc của đặc điểm tình hình đất đai, dân cư.

Theo số liệu thống kê hiện nay, xã Võng Xuyên có 16 công trình kiến trúc như đình, chùa, miếu... đình Nghĩa Lộ, đình Lục Dã, đình Võng Ngoại, đình Phúc Trạch, đình Võng Nội, đình Bảo Lộc, miếu Nghĩa Lộ, miếu Võng Ngoại, miếu Bảo Lộc, chùa Nghĩa Lộ, chùa Lục Xuân, chùa Võng Ngoại, chùa Phúc trạch, chùa Võng Nội, chùa Bảo Lộc và chùa Long Hoa – những di sản nghệ thuật kiến trúc đáng tự hào của quê hương. Trong đó có 9 di tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh, gồm: đình Nghĩa Lộ, đình Lục Dã, đình Võng Ngoại, đình Phúc Trạch, đình Võng Nội, đình Bảo Lộc, chùa Lục Xuân, chùa Phúc Trạch và miếu Bảo Lộc.

Đình Nghia Lộ

Di tích đình Nghĩa Lộ tọa lạc trên một thế đất đẹp ở thôn Nghĩa Lộ - xã Võng Xuyên – huyện Phúc Thọ - thành phố Hà Nội.

Đình được xây dựng từ thế kỷ XVII. Năm 1948, Đình Nghĩa Lộ bị đốt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược. Năm 1990, nhân dân Nghĩa Lộ góp công đức, tiền của phục dựng lại đình trên nền cũ gồm 2 hạng mục chính là đại bái và hậu cung. Năm Canh Tý 2020, được nhà nước đầu tư, tu bổ, tôn tạo xây dựng lại đình Nghĩa Lộ khang trang như hiện nay.

Đình thờ Thành Hoàng làng là Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Tam vị Tản Viên Sơn Thánh là những vị tướng đời Hùng Duệ Vương. Các Ngài có công phò vua đánh giặc Thục nên được vua ban thưởng. Trải qua các triều Đinh, Lê, Lý Trần các Ngài đều linh ứng  nên các đời vua đều phong sắc, gia phong mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần muôn đời thờ cúng, phúc lộc muôn thủa.  Đức Tản Viên Sơn Thánh cũng là một trong tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Đình Nghĩa Lộ thờ vọng Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Rước bài vị từ Đền Và (Đông Cung), phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây về, nên nội dung lễ hội được tổ chức vào 3 ngày từ ngày 13 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch; trong đó hội chính là ngày 14 tháng giêng âm lịch. Trong các ngày lễ hội các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức như: vật, chọi gà, thổi cơm thi, bắt vịt dưới nước... thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Ngoài ra, các ngày tuần, tiết, sóc, vọng trong năm cụ từ làm lễ ở đình bình thường.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, đình Nghĩa Lộ đã được xếp hạng cấp Tỉnh/Thành phố tại Quyết định số 158-QĐ/UB ngày 4/2/2003 của UBND tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội.

Đình Lục Xuân

Di tích đình Lục Xuân còn có tên là đình Lục Giã (tên cũ của làng) tọa lạc trên một thế đất cao, đẹp, trông về hướng Đông Nam tại thôn Lục Xuân, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Đình bao gồm các hạng mục Nghi môn, Đại bái, Hậu cung, Tả mạc, Hữu mạc.

Đình Lục Xuân đã xuống cấp và được trùng tu nhiều lần qua các năm Qúy Tỵ (1893), năm Bính Dần (1926) và gần đây nhất là năm Canh Dần (2010) được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong thôn cùng với khách thập phương đã tu bổ, tôn tạo lại toàn bộ ngôi đình để có được vẻ đẹp bề thế, khang trang như hiện nay.

Đúng như đôi câu đối trên trụ Nghi Môn của đình đã nêu:

Thắng tích trùng tân anh linh tụ hội vân trung lai hạc ảnh

Giang thành như cựu tuệ nhật quang thùy nghiệp bính thiên thu

Đình thờ vị thành hoàng làng là Bạch Hạc Đại Vương. Tương truyền, các Ngài có công âm phù trợ giúp dẹp loạn, đánh đuổi giặc ngoại xâm nên được các triều đại vua sắc phong ban tặng. Thời nhà Trần, vua Nhân Tông phong cho Bạch Hạc là: Anh triết hiển hựu, trợ thắng Đại Vương Thượng Đẳng Thần.

Đến nay đình Lục Xuân còn lưu giữ được 8 đạo sắc phong thời Nguyễn và 4 tấm bia đá từ thời vua Bảo Đại.

Lễ hội truyền thống của làng Lục Xuân diễn ra tại Đình từ ngày 11 đến ngày 13 tháng giêng âm lịch hàng năm, nhân dân trong làng tổ chức tế lễ cùng với nhân dân và du khách thập phương, con em của làng đi làm ăn xa về chiêm ngưỡng và dâng lễ cầu an đầu xuân năm mới. Lễ hội làng Lục Xuân quy định 5 năm tổ chức rước kiệu 1 lần, trong rước kiệu có tổ chức múa lân, sư tử và nhân dân đi trẩy hội.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, đình Lục Xuân đã được xếp hạng cấp Tỉnh/Thành phố tại Quyết định số 1979/QĐ-UBND ngày 14/11/2006 của UBND tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội.

          Đình Võng Ngoại

Di tích đình Võng Ngoại tọa trên khuôn viên đất cao, đẹp tại thôn Bắc Võng Ngoại, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.     

Đình được xây dựng từ thế kỷ XVII. Năm 1948, Đình Võng Ngoại bị đốt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược, chỉ còn lại một số cổ vật. Năm 1951, nhân dân Võng Ngoại góp công đức, tiền của xây dựng lại 3 gian hậu cung để thờ Thánh và sinh hoạt lễ hội truyền thống. Tháng 9 năm 2005, chính quyền xã vận động xã hội hóa phối hợp với ngân sách địa phương phục dựng lại ngôi đình khang trang như hiện nay.

Đình thờ Thành Hoàng làng là Bạch Hạc Đại Vương và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Thần Bạch Hạc có công âm phù trợ giúp dẹp loạn, đánh đuổi giặc ngoại xâm nên được các triều đại vua sắc phong ban tặng. Thời nhà Trần, vua Nhân Tông phong cho Bạch Hạc là: Anh triết hiển hựu, trợ thắng Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Tam vị Tản Viên Sơn Thánh là những vị tướng đời Hùng Duệ Vương. Các Ngài có công phò vua đánh giặc Thục nên được vua ban thưởng. Trải qua các triều Đinh, Lê, Lý Trần các Ngài đều linh ứng  nên các đời vua đều phong sắc, gia phong mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần muôn đời thờ cúng, phúc lộc muôn thủa.  Đức Tản Viên Sơn Thánh cũng là một trong tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Tại đình Võng Ngoại , tháng 10 năm 1946 đồng chí Tôn Đức Thắng (nguyên Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa)  đã đến và nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Võng Xuyên về tình hình kháng chiến trong nước và sự bội ước của thực dân Pháp tại hội nghị Phôngtennơblô. Năm 1955, đội công tác của Trung ương, trong đó có đồng chí Phan Văn Khải (nguyên Thủ tướng Chính phủ) bấy giờ làm cán bộ cải cách ruộng đất đã về họp với nhân dân thực hiện chính sách “Người cày có ruộng”.

Lễ hội truyền thống của làng Võng Ngoại diễn ra tại đình. Lễ hội của làng được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 3 âm lịch hàng năm. Nét đặc sắc của lễ hội là rước kiệu và tế thần được tiến hành rất long trọng và thành kính. Mỗi khi rước kiệu nghênh đón long ngai từ miếu Võng Ngoại về đình đi qua hàng chục ngõ nhỏ, dân làng cử các cụ cao niên bày bàn thờ hương hoa, xôi chuối tại các đầu ngõ để làm lễ cầu bình an cho dân làng. Lễ hội còn có các hoạt động tiêu biểu như vật dân tộc, đánh cờ, bắt chạch trong chum, kéo co, nấu cơm thi và tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa – nghệ thuật, như: diễn hát tuồng chèo, hát ca trù, văn nghệ quần chúng  luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho nhân dân và du khách thập phương.

Tháng 10 năm 2014, Thành ủy Hà Nội đã đầu tư kinh phí xây dựng Nhà bia “Điểm lưu niệm sự kiện cách mạng” tại Đình Võng Ngoại.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, đình Võng Ngoại đã được xếp hạng cấp Tỉnh/Thành phố tại Quyết định số 942/QĐ-UB ngày 23/9/2004 của UBND tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội.

Đình Phúc Trạch

          Di tích đình Phúc Trạch tọa tại thôn Phúc Trạch, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

Đình Phúc Trạch được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình làng Phúc Trạch còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, nơi đây đã diễn ra các cuộc huấn luyện đội du kích tự vệ, là nơi tổ chức nhiều cuộc mít tinh đặc biệt là đại hội Đảng bộ huyện Phúc Thọ lần thứ 2 và một số hội nghị khác của huyện. Năm 1964, Đại bái của đình bị tháo dỡ làm sân kho HTXNN. Năm 1989, nhân dân làng Phúc Trạch tiến hành xây dựng lại nhà Đại bái với quy mô nhỏ. Đến năm 2007, chính quyền xã vận động xã hội và UBND huyện hỗ trợ một phần kinh phí phục dựng lại toàn bộ ngôi đình như hiện nay.

Đình thờ vị Thành Hoàng làng là thần Thổ Lệnh và Thạch Hương. Tương truyền, các Ngài có công âm phù trợ giúp dẹp loạn, đánh đuổi giặc ngoại xâm nên được các triều đại vua sắc phong ban tặng. Trong đình hiện nay còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong triều Lê – Nguyễn.

Lễ hội truyền thống của làng Phúc Trạch diễn ra tại đình, lễ hội được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 2 âm lịch hàng năm. Tuy vậy, theo định kỳ 3 năm làng mở hội chính một lần với quy mô lớn, có tế lễ, rước kiệu và các trò chơi dân gian. Làng Phúc Trạch còn kết nghĩa (kết chạ) với làng Phúc Lộc (xã Sen Phương) nên mỗi khi lễ hội lại tổ chức giao lưu hai làng. Vì thế lễ rước kiệu làng Phúc Trạch có nét đặc sắc riêng. Đoàn rước đi theo chiều kim đồng hồ trên đường trục chính của làng, rước từ đình Phúc Trạch lên đình Phúc Lộc (làng Phúc Lộc), khi quay về qua làng đông huỳnh (xã Sen Phương) làm náo nức cả một vùng.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, đình Phúc Trạch đã được xếp hạng cấp Tỉnh/Thành phố tại Quyết định số 1979/QĐ-UBND  ngày 14/11/2006 của UBND tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội.

Đình Võng Nội

 

Di tích đình Võng Nội tọa tại thôn Võng Nội, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

Xưa kia, đình Võng Nội có quy mô bề thế, nhưng do thời gian và chiến tranh tàn phá kiến trúc và kết cấu của ngôi đình đã bị biến đổi. Năm 1952, ngôi đình xuống cấp nặng nên nhân dân làng Võng Nội tiến hành tu sửa hậu cung. Năm 1957, HTXNN tháo dỡ đình để xây nhà kho. Năm 1996, nhân dân Võng Nội góp công đức, tiền của xây dựng lại đình.  Năm 2011, nhà nước tu bổ, tôn tạo Hậu cung. Năm 2017, nhà nước đầu tư tu bổ, tôn tạo nhà Tiền tế đình Võng Nội khang trang như hiện nay.

Đình thờ Thành Hoàng làng là Bạch Hạc Đại Vương và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Thần Bạch Hạc có công âm phù trợ giúp dẹp loạn, đánh đuổi giặc ngoại xâm nên được các triều đại vua sắc phong ban tặng. Thời nhà Trần, vua Nhân Tông phong cho Bạch Hạc là: Anh triết hiển hựu, trợ thắng Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Tam vị Tản Viên Sơn Thánh là những vị tướng đời Hùng Duệ Vương. Các Ngài có công phò vua đánh giặc Thục nên được vua ban thưởng. Trải qua các triều Đinh, Lê, Lý Trần các Ngài đều linh ứng  nên các đời vua đều phong sắc, gia phong mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần muôn đời thờ cúng, phúc lộc muôn thủa.  Đức Tản Viên Sơn Thánh cũng là một trong tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Lễ hội truyền thống của làng Võng Nội diễn ra tại đình, lễ hội được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 3 âm lịch hàng năm. Hằng năm, lễ hội còn có rước kiệu, ngày 11 Lễ thánh vào buổi sáng, buổi chiều thì làng rước thánh từ miếu về đình do các cụ trong ban tế tế lễ sau đó thì rước lên thôn Võng Ngoại. Do nhiều nguyên nhân, đến nay việc rước kiệu chưa được khôi phục.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, đình Võng Nội đã được xếp hạng cấp Tỉnh/Thành phố tại Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 02/4/2008 của UBND tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội.

Đình Bảo Lộc

Di tích đình Bảo Lộc tọa tại thôn Bảo Lộc 2, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Đình Bảo Lộc in đậm nét kiến trúc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bao gồm các hạng mục Nghi môn, Đại bái và Hậu cung.

Đình thờ vị thành hoàng làng là Bạch Hạc Đại Vương. Tương truyền, các Ngài có công âm phù trợ giúp dẹp loạn, đánh đuổi giặc ngoại xâm nên được các triều đại vua sắc phong ban tặng. Thời nhà Trần, vua Nhân Tông phong cho Bạch Hạc là: Anh Triết Hiển Hựu, Trợ Thắng Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Đến nay đình Bảo Lộc còn lưu giữ đầy đủ 3 cuốn thần phả (ghi chép về điển tích của Ngài) và 13 đạo sắc phong triều Lê – Nguyễn.

Đình làng còn thờ nhị vị hậu thần. Cụ hậu thần Đoàn Quý Công Tư Đoàn Nguyễn Bảo quê Bảo Lộc, được phong tặng Hoàng Tín đại phu, cống hiến ruộng, mượn thầy dạy học cho dân, cứu nạn cho dân nghèo. Và cụ hậu thần Nguyễn Trường ở Đại Đồng, thừa ty sứ Sơn Tây, huyện thừa huyện trung thuận cống hiến ruộng cho làng. Nhị vị hậu thần có công cứu giúp dân làng nên được dân làng vinh danh và có các nghi lễ cúng tế tại đình.

Lễ hội truyền thống của làng Bảo Lộc diễn ra tại đình trong 3 ngày, từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 2 âm lịch hàng năm. Nét đặc sắc của lễ hội là rước kiệu và tế thần được tiến hành rất long trọng và thành kính. Mỗi khi rước kiệu nghênh đón long ngai từ miếu Bảo Lộc về đình đi qua hàng chục ngõ nhỏ, dân làng cử các cụ cao niên bày bàn thờ hương hoa, xôi chuối tại các đầu ngõ nơi kiệu rước đi qua để làm lễ cầu bình an cho dân làng. Khi rước kiệu loan giá hoàn cung về miếu, ra tới cửa lớn của đình, kiệu dừng lại để các cháu nhỏ chui qua đáy kiệu – với niềm tin là Ngài sẽ che chở, ban phát điều lành may mắn cho các cháu. Kiệu loan giá (Thánh Ngự) được lọng phủ kín che cờ quạt rất cẩn trọng.

Trưa ngày 12, làng Lục Xuân rước kiệu từ đình Lục Xuân đến đình Bảo Lộc, sau đó 2 làng cùng tổ chức tế hội đồng tại đây.

Lễ hội làng Bảo Lộc còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian, như: cờ tướng, bắt vịt, đập niêu, thổi cơm thi.... cùng các hoạt động văn hóa – văn nghệ quần chúng luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho nhân dân và du khách thập phương. Ngoài ý nghĩa tế lễ để giúp cho tư tưởng mọi người yên tâm, phấn khởi lao động sản xuất khẳng định niềm tin và hy vọng vào 1 năm mùa màng được tươi tốt, đời sống được ấm no, hạnh phúc. Lễ hội còn có ý nghĩa như ngày tết của làng, ở đó mọi người được giao tiếp, cởi mở động viên nhau tích cực xây dựng đời sống mới giúp nhau hiểu thêm về nguồn cội, tổ tiên, tự hào về quê hương và cũng từ đây làm cho mỗi người thấy rõ hơn về trách nhiệm của mình với quê hương tổ quốc.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, đình Bảo Lộc đã được xếp hạng cấp Tỉnh/Thành phố tại Quyết định số 2406 QĐ/UB ngày 15/11/2003 của UBND tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội.

Chùa Lục Xuân

Di tích chùa Lục Xuân còn có tên là chùa Lục Giã (tên cũ của làng), chùa có tên chữ là Thiêm Phúc Tự. Chùa tọa tại thôn Lục Xuân, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

Chùa Lục Xuân được xây dựng từ lâu đời nhưng trải qua thời gian, ngôi chùa cổ không còn nữa. Với lòng mộ Phật của khách thập phương và các thế hệ con em làng Lục Xuân đã góp công, góp của xây dựng ngôi chùa khang trang như hiện nay. Chùa được trùng tu lớn vào những năm Canh Thìn (1940), Kỷ Mão (1999) và năm Tân Sửu (2021) xây cổng Tam quan.

Cũng như bao ngôi chùa làng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Lục Xuân thờ Phật theo phái Đại Thừa và thờ Tổ, thờ Mẫu. Các hạng mục công trình gồm: cổng chính tam quan, đường dẫn qua cầu ao sen, vào sân chùa chính, nhà tiền đường, thượng điện (Tam bảo), phía sau có nhà Tổ, nhà Mẫu. Nhà tiền đường và thượng điện được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Từ cổng phụ cũ đi vào thẳng nhà khách, xung quang chùa có tường bao bảo vệ. Bên ngoài là dân cư đông đúc tạo nên sự đầm ấm của vùng quê xứ Đoài. Với kiến trúc phần gỗ của chùa chủ yếu bằng gỗ tứ thiết, tứ diện vuông đơn giản, thiên về bền chắc.

Các ngày lễ chính tính theo âm lịch gồm có Tết Nguyên Đán, tết Nguyên Tiêu, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Rằm tháng bảy, Hạ Nguyên, mùng 5 tháng chạp, Tết ông táo 23 tháng chạp, tất niên 30 tháng chạp. Các ngày Sóc (mùng 1 đầu tháng), các ngày Vọng (15 hàng tháng) nhân dân dâng hương, hoa, oản, quả, cúng phật cầu cho đất nước thái bình, nhân dân an lạc, mọi người bình an.

Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chùa Lục Xuân còn là nơi hội họp của dân làng, nơi che dấu cho các cán bộ, du kích trong thời kỳ còn hoạt động bí mật. Từ khi được tạo dựng đến nay, chùa Lục Xuân đã góp phần vào việc bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc, di dưỡng lòng nhân ái, tính nhân văn, tình yêu quê hương, đất nước của nhân dân địa phương.

Chùa Lục Xuân là 1 di tích có giá trị nhiều mặt góp phần tích cực vào cuộc sống hiện tại, là nơi nhân dân gửi gắm những nguyện cầu chiêm bái đức phật mà tu tâm sửa tính hướng tới chân, thiện, mỹ. Theo giáo lý của nhà Phật là từ bi hỷ xả bác ái, nhân văn hướng con người tới tương lai tốt đẹp. Chùa cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong thôn, là nơi hội họp của 2 giới các cụ và kết hợp giáo dục văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ sau này.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, chùa Lục Xuân đã được xếp hạng cấp Tỉnh/Thành phố tại Quyết định số 1979/QĐ-UBND ngày 14/11/2006 của UBND tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội.

Chùa Phúc Trạch

 

Di tích chùa Phúc Trạch tọa tại thôn Phúc Trạch, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Chùa có tên chữ là Long Phúc Tự.

Chùa Phúc Trạch được xây dựng từ lâu đời, trải qua thời gian, ngôi chùa cổ không còn như ngày đầu khởi dựng, với lòng mộ Phật của du khách thập phương và các thế hệ con em làng Phúc Trạch đã hưng công để xây dựng ngôi chùa như hiện nay. Do thời gian, chùa đã xuống cấp nặng, năm 2019  chính quyền xã vận động xã hội hóa và Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ một phần kinh phí trùng tu lại ngôi chùa.

Cũng như bao ngôi chùa làng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Phúc Trạch thờ Phật theo phái Đại Thừa và thờ Tổ, thờ Mẫu. Chùa gồm các hạng mục: chùa chính, nhà tổ, nhà khách. Chùa chính được làm theo kiểu chữ Đinh, gồm Tiền đường và Thượng điện, xung quanh được xây tường bao bảo vệ, bên ngoài là dân cư đông đúc tạo nên sự đầm ấm của vùng quê xứ Đoài.

Hệ thống tượng phật chùa Phúc Trạch khá phong phú, được tạo tác bằng đất, gỗ thể hiện bàn tay tài hoa, tâm hồn sáng tạo của người nghệ sỹ dân gian. Ngoài ra, chùa Phúc Trạch còn lưu giữ được một số di vật quý đặc biệt là quả chuông đồng có niên đại triều Lê (Hoàng triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên – Đinh Hợi).

Các ngày lễ chính tính theo âm lịch gồm có Tết Nguyên Đán, tết Nguyên Tiêu, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Rằm tháng bảy, Hạ Nguyên, mùng 5 tháng chạp, Tết ông táo 23 tháng chạp, tất niên 30 tháng chạp. Các ngày Sóc (mùng 1 đầu tháng), các ngày Vọng (15 hàng tháng) nhân dân dâng hương, hoa, oản, quả, cúng phật cầu cho đất nước thái bình, nhân dân an lạc, mọi người bình an.

Chùa Phúc Trạch là 01 di tích có giá trị nhiều mặt, đã góp phần tích cực vào cuộc sống hiện tại. Chùa là nơi nhân dân gửi gắm tâm linh tôn thờ Đức Phật, theo giáo lý của nhà Phật mà tâm tu sửa mình tránh: tham, sâm, si, ái, ố, hỉ, nộ hướng con người tới tương lai tốt đẹp.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, chùa Phúc Trạch đã được xếp hạng cấp Tỉnh/Thành phố tại Quyết định số 1979/QĐ-UBND  ngày 14/11/2006 của UBND tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội.

Miếu Bảo Lộc

Di tích miếu Bảo Lộc tọa lạc theo hướng Nam, tại thôn Bảo Lộc 1, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Miếu thờ thành hoàng làng là Bạch Hạc Đại Vương.

Miếu thờ thành hoàng làng là Bạch Hạc Đại Vương. Tương truyền, Ngài có công âm phù trợ giúp dẹp loạn, đánh đuổi giặc ngoại xâm nên được các triều đại vua sắc phong ban tặng. Thời nhà Trần, vua Nhân Tông phong cho Bạch Hạc là: Anh Triết Hiển Hựu, Trợ Thắng Đại Vương Thượng Đẳng Thần.

Đến nay nhân dân Bảo Lộc còn lưu giữ đầy đủ: 2 cuốn thần phả (ghi chép về điển tích của Ngài) và 13 đạo sắc phong của các triều đại Vua ban phong.

Xưa kia, ngôi miếu có kiến trúc đồ sộ bao gồm Đại bái và Hậu cung theo kiểu chữ đinh. Trải qua thời gian và chiến tranh, chỉ còn lại tòa hậu cung.

Hàng năm, nhân dân làng Bảo Lộc thường mở hội ba ngày, từ ngày 11 đến ngày 13 tháng hai âm lịch. Nét đặc sắc của lễ hội là rước kiệu và tế thần được tiến hành rất long trọng và thành kính. Mỗi khi rước kiệu nghênh đón long ngai từ miếu Bảo Lộc về đình đi qua hàng chục ngõ nhỏ, dân làng cử các cụ cao niên bày bàn thờ hương hoa, xôi chuối tại các đầu ngõ để làm lễ cầu bình an cho dân làng. Khi rước kiệu loan giá hoàn cung về miếu, ra tới cửa lớn của đình, kiệu dừng lại để các cháu nhỏ chui qua đáy kiệu – với niềm tin là Ngài sẽ che chở, ban phát điều lành may mắn cho các cháu. Kiệu loan giá (Thánh Ngự) được lọng phủ kín che cờ quạt rất cẩn trọng. Lễ hội còn có các hoạt động tiêu biểu như chơi cờ tướng, bắt vịt, đập niêu, thổi cơm thi.... luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho nhân dân và du khách thập phương. Ngoài ý nghĩa tế lễ để giúp cho tư tưởng mọi người yên tâm, phấn khởi lao động sản xuất khẳng định niềm tin và hy vọng vào 1 năm mùa màng được tươi tốt, đời sống được ấm no, hạnh phúc. Lễ hội còn có ý nghĩa như ngày tết của làng, ở đó mọi người được giao tiếp, cởi mở động viên nhau tích cực xây dựng đời sống mới giúp nhau hiểu thêm về nguồn cội, tổ tiên, tự hào về quê hương và cũng từ đây làm cho mỗi người thấy rõ hơn về trách nhiệm của mình với quê hương tổ quốc.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, miếu Bảo Lộc đã được xếp hạng cấp Tỉnh/Thành phố tại Quyết định số 2406 QĐ/UB ngày 15/11/2003 của UBND tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội

Thêm bình luận :