Di tích đình Lục Xuân, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội

13/03/2025 08:47

/documents/36001/0/GI%E1%BB%9AI+THI%E1%BB%86U+DI+T%C3%8DCH+%C4%90%C3%8CNH+L%E1%BB%A4C+XU%C3%82N.docx/5ad9f01a-c046-9b5b-4a17-a0b3ba873135?t=1741830370784

ĐÌNH LỤC XUÂN (ĐÌNH LỤC GIÃ)

Di tích đình Lục Giã được xây dựng từ lâu đời ở trung tâm của thôn Lục Xuân, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Xung quanh có nhiều cây cổ thụ tạo bầu không khí luôn tĩnh lặng, mát mẻ.

Đình Lục Giã có kiến trúc theo phong cách dân gian truyền thống của vùng quê xứ Đoài và thờ Đức Thánh Bạch Hạc Tam Giang Đại Vương làm Thành Hoàng làng.

Theo bản Thần phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Quí Tỵ (1437) đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức soạn, đến đời vua Lê Ý Tông niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 13 được Quản giám Bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền sao lại và đến năm Khải Định thứ 7 (1922) phụng sao. Thân thế, sự nghiệp của Ngài có thể tóm tắt như sau:

Ngài sinh vào ngày 10/3 năm Tân Hợi, thời Hậu Lý Nam Đế ở đất Hoan Châu. Khi lớn lên học được tiên thuật đi khắp nơi chữa bệnh cứu người, sau về lập am ở trang Bạch Hạc.

Vào một ngày mưa gió sấm chớp, có đám mây vàng phía tây bay đến, 2 bên có tiên đồng – ngọc nữ đàn sáo, hổ báo hàng đàn đến quỳ trước mặt, ngài theo đám mây mà đi mất, ấy là ngày 25 tháng 9. Nhân dân nơi đây biết ông đã đắc đạo và nhờ người vẽ hình rước vào quán Tam Thanh (đến Bạch Hạc) thờ phụng, từ đó Ngài thường hiển linh chữa bệnh cứu người, các nguyện cầu của dân thường ứng nghiệm.

Đến đời vua Trần Nhân Tông, giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta. Hưng Đạo Đại Vương phụng mệnh vua đi đánh giặc. Qua đây được Ngài báo mộng xin âm phù hộ quốc. Sau khi đánh thắng giặc được triều đình gia phong Hộ quốc an dân – Thượng Đẳng Thần,  được cấp ruộng và tiền để 4 mùa cúng tế. Người đời sau có cúng 1 đôi câu đối:

Bạch Thành hiển ứng lâm giang mộng

Lục Chử trường thùy Hộ Quốc Công

Đã nói lên tương đối đầy đủ công lao của Ngài với nước với dân. Trong đình hiện nay còn lưu giữ được 8 đạo sắc phong của các đời vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định và 4 tấm bia đá từ thời vua Bảo Đại.

Một trong những điểm nhấn gắn với Đình Lục Xuân là lễ hội truyền thống. Hàng năm, ngay từ đầu tháng Giêng nhân dân thôn Lục Xuân lại náo nức chờ đón lễ hội. Lễ hội của làng được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13 tháng giêng âm lịch hàng năm, nhân dân trong làng tổ chức tế lễ cùng với nhân dân và du khách thập phương, con em của làng đi làm ăn xa về chiêm ngưỡng và dâng lễ cầu an đầu xuân năm mới.

Đình Lục Giã là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư thôn Lục Xuân gồm các hạng mục chính là nhà Đại bái qua sân lọng tới Hậu cung. 2 bên Hậu cung có nhà tả - hữu mạc tạo nên kiểu chữ vi, những kiến trúc bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo theo mô tắp truyền thống nhà nguyễn, ngôi đình đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử của đất nước trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong xây dựng hòa bình. Là nơi hội họp của những cán bộ du kích, nơi sơ tán của các trường mẫu giáo Hà Nội những năm phải đi sơ tán, trường Đảng của Huyện và các hội nghị lớn của xã, của thôn.

Từ lúc xây dựng sơ khai của buổi ban đầu tới nay, ngôi đình đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Sự hao mòn của thời gian nhưng với tấm lòng biết ơn thành kính của nhân dân các thế hệ con cháu và khách thập phương đã nhiều lần góp công, góp của để trùng tu, giữ gìn di tích như các năm Qúy Tỵ (1893), năm Bính Dần (1926) và gần đây nhất là năm Canh Dần (2010) được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong thôn cùng với khách thập phương đã hạ giải, trùng tu lại toàn bộ ngôi đình để có được vẻ đẹp bề thế, khang trang như hiện nay. Đúng như đôi câu đối ở mặt ngoài cột cổng đồng trụ đã nêu:

Thắng tích trùng tân anh linh tụ hội vân trung lai hạc ảnh

Giang thành như cựu tuệ nhật quang thùy nghiệp bính thiên thu

Là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của thôn Lục Xuân, là nơi diễn ra lễ hội được tổ chức theo nghi thức truyền thống, đáp ứng được tính dân tộc, khoa học, đại chúng.

Đình Lục Giã còn là nới giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, tính nhân văn trong mỗi con người để mọi người hăng say lao động sản xuất, đời sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đình Lục Giã được UBND tỉnh Hà Tây, nay là thành phố Hà Nội, quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tại Quyết định số 1979, ngày 14 tháng 11năm 2006.