Chị Lê Thị Hợi - Chủ tịch Hội người khuyết tật Phúc Thọ nỗ lực vươn lên, hết lòng vì công việc chung
Với nhiều người khuyết tật, tự nuôi sống bản thân đã là điều khó khăn, nói đến chuyện làm giàu lại càng khó hơn. Nhưng câu chuyện về chị Lê Thị Hợi - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Phúc Thọ với những nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, hết lòng vì công việc chung khiến nhiều người cảm phục.
Chị Lê Thị Hợi quê ở Nam Võng Ngoại – xã Võng Xuyên không may bị liệt cả hai chân từ năm 3 tuổi do biến chứng sau một cơn sốt cao bị co giật. Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè cùng trang lứa được đến trường, chị Hợi cũng ước mơ hoà nhập cùng các bạn. Ban đầu gia đình còn do dự vì sợ chị gặp nhiều khó khăn về vận động, nhưng với sự cố gắng không ngừng nghỉ và quyết tâm cao của bản thân, cùng với sự hỗ trợ của người thân, bạn bè, chị Hợi học hết THPT. Không muốn làm gánh nặng cho gia đình, chị Hợi suy nghĩ và lựa chọn học nghề may. Nhờ sự cần cù, chịu khó lại khéo léo, tiệm may của chị khá đông khách, nổi tiếng quanh vùng lúc bấy giờ, đủ cho chị tự nuôi sống bản thân.
Duyên số đưa chị Hợi gặp được anh công an Nông Việt Phương, quê Quốc Oai. Anh Phương vốn là khách hàng may quần áo nhà chị Hợi, trải qua một thời gian dài quen biết, trên cơ sở cảm thương, thấu hiểu nhau, hai anh chị đã nên duyên vợ chồng năm 1990. Anh chị có với nhau 2 người con: 1 trai 1 gái đã học xong Đại học, khôn lớn trưởng thành, nghề nghiệp ổn định và là niềm tự hào của gia đình.
Lúc mới lấy nhau, cuộc sống gia đình chị Hợi còn khó khăn, lại thêm các con còn nhỏ, với gánh nặng cơm áo gạo tiền, năm 1995, chị Hợi đã với chồng, cải tạo 4 sào vườn mượn của mẹ đẻ chị Hợi để trồng cây ăn quả. Qua tìm hiểu, anh chị quyết định trồng 30 gốc bưởi Diễn và trở thành hộ đầu tiên của xã Võng Xuyên trồng bưởi Diễn, nuôi gà, xây chuồng nuôi thỏ,…. cho thu nhập 50-60 triệu đồng/năm, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, chị Hợi nhận thấy thỏ là loài động vật yêu cầu tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc, sức đề kháng yếu nên dễ bị bệnh. Năm 2009, với sự năng động, nhạy bén, chị Hợi tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin khác nhau đã biết đến mô hình nuôi nhím. Nhím không khó chăm sóc như thỏ, sức đề kháng tốt, giá thành cao. Chị Hợi quyết định dồn toàn bộ vốn chuyển hẳn sang nuôi nhím. Với số vốn ban đầu hơn 70 triệu đồng, chị Hợi mua được 6 cặp nhím sinh sản. Mỗi cặp nhím sinh sản 1 năm cho 3 lứa, cứ thế, chị nhân giống và duy trì khoảng 20 cặp nhím sinh sản và khoảng 40 cặp nhím thịt. Đồng thời, chị bán nhím sinh sản giống với giá lúc đỉnh điểm là 25 triệu đồng/cặp và 200.000đ/kg nhím thịt, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên đến năm 2012, chị phải trả lại vườn nên công việc chăn nuôi phải tạm dừng.
Với cương vị đứng đầu Hội Người khuyết tật huyện từ năm 2015 đến nay, chị Hợi luôn lan toả tinh thần, thái độ sống tích cực, động viên hội viên cố gắng vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Mặc dù không có chế độ phụ cấp hằng tháng nhưng chị Hợi đã cùng với các đồng chí trong Ban Thường trực luôn không ngừng đổi mới mạnh mẽ hoạt động Hội. Chị Hợi chỉ đạo thành lập các nhóm Zalo để trao đổi công việc nhanh chóng, kịp thời. Phối hợp với Hội Luât gia huyện, Trung tâm Trợ giúp pháp lý số 1 Sơn Tây, Trung tâm việc làm Hà Nội, Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố… thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng nghiệp, hỗ trợ pháp luật cho toàn thể hội viên. Đến nay, Hội có hơn 800 hội viên với 7 chi hội và 12 ban vận động ở các xã, thị trấn. Hội duy trì 03 mô hình Câu lạc bộ (CLB): CLB thanh niên khuyết tật, CLB phụ nữ khuyết tật và CLB văn nghệ. Các CLB đã phát huy được vai trò là nơi sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống của người khuyết tật, hỗ trợ họ tìm kiếm việc làm phù hợp, tiếp cận vay vốn để họ phát triển kinh tế gia đình.
Hằng năm, Hội Người khuyết tật huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện và cơ sở để tặng quà, động viên tinh thần các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp tết Nguyên đán. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, hội Chữ thập đỏ trao 370 suất quà cho 370 lượt hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất từ 150.000đ – 500.000đ với tổng số tiền 85 triệu đồng.
Chia sẻ phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, chị Hợi cho biết “Hội Người khuyết tật huyện đang phấn đấu thành lập các tổ chức cơ sở hội cấp xã để người khuyết tật được quan tâm đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Đồng thời, mong muốn rằng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm hơn nữa đến công tác người khuyết tật để họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật”.