CÁC TƯỚNG LĨNH CỦA HAI BÀ TRƯNG ĐƯỢC PHỤNG THỜ TẠI PHÚC THỌ
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 43) là sự kiện có giá trị đặc biệt trong suốt tiến trình lịch sử đất nước, không chỉ là cột mốc bản lề khẳng định thành tựu bất hủ của Nhân dân ta trong thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên mà còn định hướng cho tương lai phát triển của cuộc đấu tranh thoát khỏi ách thống trị nghìn năm của kẻ thù phương Bắc. Trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã có rất nhiều tướng lĩnh tham gia, trong đó, có 6 tướng lĩnh hiện nay được thờ phụng tại các địa phương trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Đó là các tướng: Hoàng Đạo (Đình Hiệp Lộc và Đình Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp); Hoàng Thông (Hiệp Thuận); Đỗ Năng Tế và 3 vị phu nhân (Tam Hiệp); Ả Tú, Ả Huyền, Ả Cát (Vân Phúc). Để giúp người đọc hiểu rõ hơn về 6 vị tướng này, Diễn đàn huyện Phúc Thọ xin được đăng tải các bài viết về truyền thuyết liên quan đến các vị tướng được phụng thờ trên địa bàn huyện Phúc Thọ.
Kỳ I: ĐỖ NĂNG TẾ VÀ 3 VỊ PHU NHÂN
Theo ghi chép của Thần phả trong di tích đình Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ: Đỗ Năng Tế là con ông Đỗ Năng người ở làng Đông Cao, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, Sơn Nam. Do bọn hào trưởng ở quê nhà bức bách, ông phải chạy đến sinh sống và học nghề thuốc ở xã Thượng Hiệp huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Đỗ Công lấy vợ là bà Nguyễn Thị Bản ở Khánh Hợp. Năm Đỗ Công 60 tuổi, ông bà cầu tự ở chùa Thiên Thai, sinh được quý tử là Đỗ Năng Tế.
Năm 21 tuổi, Đỗ Năng Tế lấy vợ là bà Tạ Cẩn Nương, con gái của thầy học. Đỗ Năng Tế và phu nhân nổi tiếng là người kỳ tài, văn võ song toàn, luôn làm việc nghĩa. Tương truyền Đỗ Năng Tế là người được Hùng Lạc tướng, huyện chủ đất Mê Linh tin cậy, còn được giao là người dạy võ cho Thái tử và 2 công chúa. Sau khi Hùng Lạc tướng mất đi, Thái tử cũng qua đời, ông và vợ lại phò tá hai người con gái của Hùng Lạc tướng là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Khi Hai Bà khởi binh, Đỗ Năng Tế cùng ba bà vợ là Tạ Cẩn Nương, Đặng Xuân Nương và Lý Thanh Nương cùng tham gia chỉ huy quân sĩ. Nghĩa quân Hai Bà Trưng tổng cộng có đến 6 vạn nữ tướng và hơn 3000 nam tướng”. Đỗ Năng Tế được phong “Tiết cấp nhập nội Thái tử quốc chính trung tín hầu". Bà vợ cả Tạ Cẩn Nương được giao phụ trách đội nữ binh, được phong "Tham tán quân trung hoằng tướng tham mưu trưởng nội thị". Đội quân của Đỗ Năng Tế và 3 bà phu nhân đều có mặt trong lễ tế cờ ra quân của Hai Bà Trưng tại khu vực Hát Môn. Sau khi tham gia khởi nghĩa giành được 65 thành trì, đánh đuổi được Thái thú Tô Định ra khỏi bờ cõi, Đỗ Năng Tế cùng 3 phu nhân không ở lại làm quan trong triều, mà xin Trưng Vương cho lui về Khánh Hợp cùng dân khai hoang lập ấp. Ông đã xây dựng 3 cung ở vùng này.
Trưng Vương làm vua được 3 năm. Nhà Hán lại cử Mã Viện mang quân sang đàn áp nhằm tiêu diệt chính quyền của Hai Bà, Đỗ Năng Tế được mời vào cung để tham vấn. Ông quyết định tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập. Ngày 13 tháng 7 năm ấy (năm 43), ông mời các bô lão trong làng đến chia đôi của cải đất đai cho con cháu và dân làng mỗi bên một nửa, rồi cùng 3 phu nhân ra nhập đội quân chiến đấu của triều đình... Trong trận đánh lớn của quân ta với quân nhà Hán ở vùng hồ Lãng Bạc, bà Lý Thanh Nương và Đặng Xuân Nương đã anh dũng hy sinh. Bà Tạ Cẩn Nương phò tá Hai Bà Trưng lui về cố thủ ở đất Cấm Khê, Đỗ Năng Tế thì cầm quân lui về vùng Cư Phong ở châu Hoan. Sau này, trong trận chiến cuối cùng tại đất Cấm Khê, bà Tạ Cẩn Nương đã hy sinh. Tướng quân Đỗ Năng Tế cũng đem quân từ Cư Phong về đất Khánh Hợp, rồi cũng mất tại đây.
Biết ơn sự hy sinh của cả gia đình tướng quân Đỗ Năng Tế, người dân đã thờ phụng ông và 3 bà phu nhân ở đình Mỹ Giang và chùa Thiệu Long, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Đỗ Năng Tế được coi là Thành hoàng tại đình Mỹ Giang. Dân làng ở đây kiêng húy bảy chữ “Tế, Cẩn, Xuân, Khanh, Tín, Dực, Bản”.
Hiện nay đình Mỹ Giang còn lưu lại được 13 đạo sắc phong, sớm nhất là năm Chiêu Thống thứ nhất (1786) và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924). Đình Mỹ Giang được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1989.
Hội làng được mở từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch. Trong ba ngày hội dân làng tổ chức tế lễ, rước kiệu từ đình Mỹ Giang ra làm lễ ở lăng mộ Đỗ Năng Tế (Quán Rậm), sau đó lại rước về đình tế lễ. Trong những ngày lễ hội nhiều trò diễn dân gian được tổ chức như: bắt chạch trong chum, đi cầu khỉ, bịt mắt bắt dê, chọi gà, đấu vật…